Ameflu là thuốc gì? Công dụng và cách sử dụng như thế nào?

0
659

Ameflu là thuốc gì?

Cảm cúm là tình trạng thường gặp xảy ra với các triệu chứng như nghẹt mũi, đau họng, sổ mũi, nhức mỏi người. Thông thường, các triệu chứng này có thể tự khỏi nhưng sẽ gây cảm giác khó chịu, bất tiện cho người bệnh.

Một trong nhiều thuốc được sử dụng trong trường hợp này chính là Ameflu. Vậy Ameflu là thuốc gì? Liều dùng của Ameflu như thế nào? Dưới đây là một số thông tin cơ bản về thuốc cũng như cách dùng Ameflu hiệu quả nhất.

Thành phần

Thành phần chính của Ameflu là:

  • Paracetamol (Acetaminophen): có tác dụng hạ sốt và giảm đau.
  • Dextromethorphan: có tác dụng giảm ho và cải thiện triệu chứng đường hô hấp. 
  • Guaifenesin: long đờm, kích thích tăng tiết dịch ở đường hô hấp. 

Tá dược: acid citric, propylen, tartrazine,…vừa đủ 1 viên.

Thành phần của Ameflu

Thành phần của Ameflu

Một số dạng thuốc Ameflu và giá bán của từng loại

1. Dạng siro

Thành phần chính của Ameflu dạng siro là:

  • 160 mg Paracetamol
  • 5 mg Dextromethorphan
  • 2,5 mg Phenylephrine.

Hàm lượng từng thành phần thấp hơn để thích hợp với trẻ.

Quy cách đóng gói: chai 30ml, chai 60ml. Mức giá dao động trong khoảng 20 000 – 30 000 VND / chai. 

Đối tượng sử dụng: trẻ từ 6 – 11 tuổi. 

Thuốc Siro Ameflu hương dâu

Do được thiết kế dành riêng cho đối tượng trẻ em nên siro ameflu hương dâu có hương vị dễ uống.

Thành phần: 160 mg paracetamol, 5 mg Dextromethorphan, 2.5 mg phenylephrine, 1 mg Chlorpheniramine.

Chú ý: khi sử dụng siro Ameflu hương dâu trẻ có thể ngủ nhiều hơn.

2. Dạng viên nén

Thuốc Ameflu Daytime

Thành phần: 500 mg Paracetamol, 15 mg Dextromethorphan, 10 mg Phenylephrin, 200 mg Guaifenesin. 

Thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt, trị cảm cúm thông thường và không gây buồn ngủ. 

Đối tượng sử dụng: trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Quy cách đóng gói: gồm 1 hộp 10 vỉ x 10 viên.

Ameflu daytime thường không gây buồn ngủ

Ameflu daytime thường không gây buồn ngủ

Thuốc Ameflu Daytime +C

Thành phần: 500 mg Paracetamol, 15 mg Dextromethorphan, 10 mg Phenylephrin, 200 mg Guaifenesin kết hợp thêm 100 mg vitamin C. 

Do có vitamin C nên thuốc có thêm tác dụng chống oxy hóa, giúp bảo vệ da hiệu quả.

Đối tượng sử dụng: trẻ từ 6 tuổi trở lên. 

Thuốc Ameflu Night Time 

Thành phần: 15 mg Dextromethorphan, 4mg Chlorpheniramine, 500 mg Paracetamol kết hợp cùng 10 mg phenylephrine.

Đối tượng sử dụng: trẻ trên 12 tuổi.

Ameflu có tác dụng gì?

Công dụng của Ameflu là chính là công dụng của từng thành phần có trong thuốc.

Paracetamol là hoạt chất quen thuộc có tác dụng hạ sốt, giảm đau, giải quyết một số vấn đề như đau khớp, đau nhức cơ, cảm cúm và viêm họng. Paracetamol giúp điều trị các triệu chứng từ nhẹ đến vừa, đau bụng do hành kinh, sốt nhẹ, chấn thương phần mềm.

Chlorpheniramin nằm trong nhóm thuốc kháng histamin H1. Hoạt chất này có tác dụng điều trị các triệu chứng về đường hô hấp như viêm xoang, viêm mũi,…

Phenylephrin được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân hạ huyết áp đột ngột gây co mạch tại chỗ. Do vậy, hoạt chất này giúp giảm tình trạng sung huyết ở mũi và cải thiện triệu chứng viêm xoang do cảm lạnh.

Ameflu có tác dụng hạ sốt, giảm đau

Ameflu có tác dụng hạ sốt, giảm đau

Hướng dẫn sử dụng Ameflu

1. Cách dùng

Với mỗi dạng bào chế, Ameflu có cách sử dụng khác nhau. Do vậy, cần đọc kỹ hướng dẫn ghi trên bao bì thuốc.

Dạng viên nén

Nuốt nguyên viên. Dùng cùng 1 ly nước đầy, tránh sử dụng cùng sữa hay các loại nước ép. Không bẻ hay nhai viên vì có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu.

Dạng siro

Ở dạng bào chế này, bệnh nhân cần sử dụng dụng cụ chia liều chính xác để uống thuốc đúng liều.

Ngoài ra, phụ huynh cần theo dõi bé trong thời gian dùng thuốc. Hạn chế tình trạng dùng thiếu liều hay quá liều dùng khuyến cáo.

2. Liều dùng

Phụ thuộc vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng cụ thể cho bệnh nhân. Vì vậy, cần nói rõ triệu chứng đang gặp phải để được hướng dẫn tốt nhất.

Liều dùng cho trẻ em (dạng siro)

Trẻ từ 4 –  5 tuổi: dùng 5 ml / lần × 4 – 5 lần / ngày. Không dùng quá 5 lần / ngày.

Trẻ từ 6 – 11 tuổi: dùng 10 ml / lần × 4 – 5 lần / ngày. Không dùng quá 5 lần / ngày.

Đối với trẻ dưới 4 tuổi cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Liều dùng cho người lớn (dạng viên)

Uống 1 – 2 viên / lần × 2 – 3 lần / ngày.

Thời gian dùng tối đa là 7 ngày. Không tự ý kéo dài thời gian sử dụng nếu không có chỉ định từ bác sĩ.

Liều dùng của Ameflu khác nhau ở người lớn và trẻ em

Liều dùng của Ameflu khác nhau ở người lớn và trẻ em

Tương tác thuốc

Tương tác thuốc có thể làm tăng, giảm hiệu quả sử dụng hay làm tăng tác dụng không mong muốn.

Ameflu có thể gây tương tác với một số loại thuốc sau:

  • Thuốc ức chế IMAO (monoaminoxydase): thuốc trầm cảm, thuốc điều trị tâm thần, thuốc điều trị Parkinson,…
  • Thuốc chống co giật: carbamazepine, isoniazid, phenytoin, barbiturate,…
  • Thuốc chẹn beta: methyldopa, debrisoquin, reserpine, guanethidin,….
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng: amitriptyline, imipramine,…
  • Atropin: sử dụng đồng thời Ameflu và Atropin có thể làm tăng tác dụng của atropin.
  • Digoxin: gây đau tim hay rối loạn nhịp tim nếu dùng đồng thời.
  • Thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương: Làm tăng tác dụng của nhóm thuốc này.

Tác dụng không mong muốn của Ameflu

Trong quá trình sử dụng Ameflu, bệnh nhân có thể xuất hiện một số tác dụng phụ như:

  • Mẩn ngứa, phát ban, ngứa ngáy, miệng và mặt bị sưng hay nhịp thở không đều.
  • Khó thở, dễ bị bầm tím hay chảy máu.
  • Sốt cao hơn, nhiệt độ cao, dễ có nguy cơ nhiễm khuẩn.
  • Có cảm giác buồn nôn, khó chịu, ăn không ngon miệng.
  • Xuất hiện tình trạng vàng da, vàng mắt.
  • Nhìn mờ, tình trạng này dễ xảy ra với người bệnh glocom.
  • Nhịp tim tăng bất thường.

Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể có những triệu chứng như chóng mặt, đau đầu, lo âu, tiêu chảy hay mệt mỏi.

Cần làm gì khi quên liều Ameflu?

Nếu chẳng may quên mất 1 liều Ameflu, hãy uống ngay khi nhớ ra. Thế nhưng, thời điểm nhớ ra gần với liều dùng tiếp theo thì nên bỏ qua liều đã quên và dùng liều tiếp theo đúng chỉ định.

Uống thuốc ngay khi nhớ ra

Uống thuốc ngay khi nhớ ra

Xử trí khi quá liều 

Quá liều Ameflu có thể khiến bệnh nhân gặp nguy hiểm. Do có nhiều thành phần nên khi xảy ra ngộ độc rất khó xác định quá liều thành phần nào. Ngay khi phát hiện thấy mình dùng quá liều, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

Một số triệu chứng khi quá liều Ameflu như:

Quá liều Paracetamol

Xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn. Những triệu chứng này thường xảy ra trong vòng 24 giờ sau khi uống thuốc. Sau khoảng thời gian này, bệnh nhân cảm thấy bên hạ sườn phải bị đau nhức. Dấu hiệu này cảnh báo gan đang bị hoại tử. 3 – 4 ngày sau có thể tổn thương não, đường huyết giảm và tử vong.

Xử trí: dùng acetylcystein ức chế quá trình chuyển hóa paracetamol ở gan. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng than hoạt hay tiến hành rửa dạ dày để ngăn chặn sự hấp thu paracetamol.

Quá liều Phenylephrine

Triệu chứng quá liều: co giật, tăng huyết áp, nhịp tim chậm, đau đầu, co giật,…

Tùy thuộc vào triệu chứng, bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể.

Quá liều Dextromethorphan

Triệu chứng khi quá liều: giảm thị lực, buồn ngủ, bí tiểu, suy hô hấp,…

Ngoài việc điều trị triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định tiêm tĩnh mạch naloxone.

Ameflu có sử dụng cho phụ nữ mang thai được không?

Theo FDA (cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm của Mỹ) đưa ra mức độ an toàn của thuốc với phụ nữ mang thai A, B, C, D, X được sắp xếp theo nguy cơ tăng dần.

Paracetamol được xếp vào nhóm B. Điều này cho thấy mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng thuốc không gây nguy hiểm đến thai nhi ở động vật mang bầu. Còn trong phạm vi nghiên cứu có kiểm soát ở người thì thuốc cũng chưa thấy có nguy hiểm. 

Phenylephrine, Dextromethorphan và Guaifenesin thuộc nhóm C. Điều này cho thấy những hoạt chất này có hại với thai nhi. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu cụ thể trên người do vậy cần cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro. 

Nếu đang mang thai và muốn sử dụng bất kỳ loại thuốc nào bệnh nhân cần nhận được sự tư vấn cụ thể từ bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng tránh ảnh hưởng đến thai nhi. 

Không chỉ riêng phụ nữ mang thai, với bất kỳ bệnh nhân nào trước khi sử dụng thuốc cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ để được tư vấn tốt nhất. Hạn chế tối đa những tác dụng phụ có thể xảy ra.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here